Cung cấp công nghệ xử lý nước thải

Công nghệ xử lý nước – nước thải ở Việt Nam – thực trạng và thách thức

0

TÓM TẮT

Bài báo tổng quan về bối cảnh và các yếu tố liên quan, hiện trạng công nghệ xử lý nước và nước thải sinh hoạt ở đô thị, công nghiệp, bệnh viện, nông thôn, làng nghề; Đánh giá tình hình hoạt động vận hành cũng như nêu lên những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức trong khi phát triển ngành hay lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020.

ABSTRACT

The paper overviews a background and related factors, situation of water and wastewater treatment technology in Urban and Inducstrial Sector as well as in Hospitals, Rural Areas, handicraft villages in Vietnam. It ‘s also described the evaluations and concerns of operation and maintenance activities, conveniences, dificulties as well as chalanges during the development process of the fields focussing to implementing the tagets of the National Strategy of socio-Economic Development.

GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ1

Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường IWEET), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

I. BỐI CẢNH VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP TỚI CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC, NƯỚC THẢI.

1.1. Cơ sở pháp lý phát triển ngành cấp thoát nước – Môi trường Nước Việt Nam

– Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị và các Nghị định, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn triển khai các luật hay các chiến lược này.

– Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

– Hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường và tiêu chuẩn ngành đã được thiết lập và ngày càng đường hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa.

– Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020” trong Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998, trong đó xác định phương hướng xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn cả nước và các vùng đặc trưng: Hiên có khoảng 754 đô thị và khoảng 1000 đô thị vào năm 2025.

– Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định số 1929/QĐ-TTg và 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 phê duyệt định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 cùng nhiều văn bản chiến lược khác như Quyết định 328/2005/ QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2005 về kiểm soát ô nhiễm, Nghị Định CP số 88/2007/NĐ CP, ngày 28-5-2007 về Thoát nước Đô thị và Khu Công nghiệp,.. Điều này đỏi hỏi ngành Nước mà cụ thể là Cấp Thoát nước-Kỹ thuật môi trường phải góp phần thực hiện.

– Quyết định số 104 ngày 25-8-2000 của Thủ tướng Chính Phủ Về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 và các chương trình mục tiêu Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn 2006-2010, 2011-2015.

Mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 ghi rõ về kết cấu hạ tầng và môi trường đô thị, công nghiệp, nông thôn:

“Kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%. Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%.”

“Cải thiện chất lượng môi trường. Đến năm 2020, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 45%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng. Hạn chế tác hại của thiên tai. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng”

1.2. Quá trình đô thị hoá từ 1990 đến nay và dự báo tương lai

Từ ngày 2 tháng 7 năm 2009, phân loại đô thị sẽ tiến hành theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ban hành ngày 07 tháng 5 năm 2009 (Nghị định này thay thế Nghị định 72/2001/NĐ-CP ban hành ngày 05 tháng 10 năm 2001)

– Tổng số dân của Việt nam vào 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009 là 85.789.573 người, trong đó có 25.374.262 người cư trú ở khu vực thành thị, chiếm 29,6%.

Bảng 1 là diễn biến quá trình đô thị hóa ở nước ta.

Bảng 1. Diễn biến quá trình đô thị hóa ở nước ta trong 25 năm qua và dự báo đến năm 2020

Năm 1986 1990 1995 2000 2005 2009 2010

(Dự báo)

2020

(Dự báo)

Số đô thị các loại 480 500 550 649 689 754 760
Dân số đô thị (triệu người) 11,87 13,77 14,938 19,47 22,6 25,4 30,4 46,0
Tỷ lệ dân số đô thị trên tổng dân số(%) 19,3 20,0 20,75 24,18 26,7 29,6 33,0 45,0

Chiến lược phát triển đô thị đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020” trong Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998, trong đó xác định phương hướng xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn cả nước và các vùng đặc trưng: Hiên có khoảng 754 đô thị. Tới năm 2025 Việt Nam có khoảng 1000 đô thị

Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị:

· Xây dựng và duy trì bộ khung bảo vệ thiên nhiên trên địa bàn cả nước.

· Khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên vào mục đích cải tạo đô thị.

· Có biện pháp xử lý, tái sử dụng các chất thải sinh hoạt và sản xuất bằng các công nghệ thích hợp.

1.3. Quá trình công nghiệp hóa

Phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN,KCX,KKT): Tính từ năm 1991 đến hết tháng 9/2009, trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, cả nước đã thành lập được 223 KCN, phân bố trên 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong số 223 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) được Chính Phủ phê duyệt thành lập, trong đó có 120 KCN-KCX đi vào hoạt động, hơn 100 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 50% [1].

Ngoài các KCN-KCX, còn có:

+ Khoảng 1700 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt, trong đó có 700 CCN đã đưa vào hợt động,

+ 34 khu kinh tế (KKT), trong đó có 11 KKT ven biển, 23 KKT cửa khẩu.Đến năm 2015 sẽ có tổng số 40 KKT.

Như vậy tới nay chúng ta đã có khoảng 1900 KCN, CCN, 34 KKT.

Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006, đến 2015 nước ta sẽ có thêm 115 KCN mới và mở rộng 27 KCN đã có.

Các doanh nghiệp hay xí nghiệp công nghiệp nói chung: Nếu kể cả những đơn vị ngoài KCN, KCX, CCN, KKT, trên toàn quốc có khoảng trên 500 000 doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng trên 600 000 doanh nghiệp. Ngoài ra ở nước ta còn có khoảng 1450 làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

II. THỰC TRẠNG CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC, NƯỚC THẢI Ở VIỆT NAM

2.1. Hiện trạng công nghệ xử lý nước cấp sinh hoạt và công nghiệp.

2.1.1. Công nghệ đang áp dụng [11-12]

Hiện ở đô thị sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm. Ngoài ra, một số hộ vùng ven đô và nông thôn có sử dụng cả nước mưa.

Trong toàn quốc, tỷ lệ sử dụng nguồn nước mặt khoảng 60%, nước ngầm khoảng 40%

Các thành phố lớn, các nhà máy nước (NMN) có công suất từ vài chục ngàn m3/ngđ tới vài trăm ngàn m3/ngđ: NMN Thủ Đức (TP HCM) có tổng công suất 1.200.000 m3/ngđ, các NMN ngầm ở Hà Nội có công suất từ 30.000 – 60.000 m3/ngđ (thường chia thành đơn nguyên 30.000 m3/ngđ, xây dựng thành từng đợt, NMN Sông Đà 600.000 m3/ngđ, giai đoạn 1 đã xây dựng 1 đơn nguyên 300.000 m3/ngđ đã hoạt động. Tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, các nhà máy nước có công suất phổ biến từ 10.000 m3/ngđ tới 30.000 m3/ngđ. Các trạm cấp nước của các thị trấn thường có công suất từ 1000 m3/ngđ tới 5000 m3/ngđ, phổ biến nhất xung quanh 2000 m3/ngđ.

Công nghệ và công trình xử lý nước

Công nghệ xử lý nước mặt phổ biến là keo tụ + lắng + lọc nhanh trọng lực + khử trùng

Công nghệ xử lý nước ngầm chủ yếu là khử sắt ( hoặc khử mănggan) bằng phương pháp làm thoáng + lắng tiếp xúc + lọc nhanh trọng lực + khử trùng.

Các công trình đơn vị trong trạm xử lý đa dạng:

+ Các công trình keo tụ ( đa số dùng phèn nhôm, PAC) với bể trộn đứng, trộn cơ khí, bể tạo bông có vách ngăn zic zac, tạo bông có tầng cặn lơ lửng, tạo bông kiểu cơ khí

+ Các công trình lắng: bể lắng đứng ( cho trạm công suất nhỏ) bể lắng ngang thu nước cuối bể, thu nước bề mặt được sử dụng khá rộng rãI ở các dự án thành phố, thị xã, bể lắng ngang lamen ( công nghệ Pháp) được sử dụng tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc: Lao Cai, Yên BáI, Phú Thọ, Hoà Bình, Hưng Yên và san bay Đà Nẵng. Loại bể này đang được phổ biện ở một số địa phương khác. Bể lắng Pulsator ( công nghệ Pháp) được dùng ở Nam Định, Cần Thơ và bể lắng ly tâm ( TháI Bình) là 2 loại bể lằng ít được sử dụng.

+ Các công trình lọc: Bể lọc nhanh trọng lực ( lọc hở với vật liệu lọc là cát) được dùng rộng rãi. Bể lọc AQUAZUR-V ( Công nghệ Pháp) được dùng khá nhiều ở các dự án cấp tỉnh, thành phố ( Kiểu AQUAZUR-V, nhưng không mua bản quyền của Degrémont)

Khử trùng: phổ biến dùng clo lỏng, một số trạm nhỏ dùng nước giaven hoặc ôzôn.

Trạm bơm đợt 2: một số trạm dùng máy biến tần để điều khiển chế độ hoạt động của máy bơm, một vài nơi có dùng đài nước trong trường hợp địa hình thuận lợi, một số nơi tận dụng đài nước đã có trước.

Các công trình làm thoáng: Phổ biến dùng tháp làm thoáng tự nhiên ( Dàn mưa), một số ít dùng thùng quạt gió ( làm thoáng cưỡng bức), một số trạm khác dùng tháp làm thoáng tải trọng cao theo nguyên lý làm việc của Ejector.

Chất lượng nước sau xử lý hầu hết đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cuả tổ chức y tế thế giới. Một số nhà máy còn một vài chỉ tiêu chưa đạt như măng gan, amôni, arsenic.

Cấp nước nông thôn – Các loại mô hình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Người dân nông thôn Việt Nam tuỳ điều kiện của mình đã sử dụng cả 3 loại nguồn nước (nước mưa, nước ngầm và nước mặt) cho nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt.

Từ những đặc điểm riêng biệt từng vùng ở nông thôn Việt Nam hiện đang tồn tại 2 loại hệ thống công trình cấp nước cơ bản:

+ Các công trình cấp nước phân tán: Các công trình cấp nước nhỏ lẻ truyền thống phục vụ cho từng hộ gia đình, những nhóm hộ dùng nước hay các cụm dân cư sống độc lập, riêng lẻ mật độ thấp..

+ Các công trình cấp nước theo kiểu công nghiệp tập trung: Hệ thống dẫn nước tự chảy và hệ thống bơm dẫn nước phục vụ cho các thị trấn, thị tứ, các cụm dân cư sống tập trung của xã…

2.1.2.Đánh giá về công nghệ và sự hoạt độngquản lý vận hành xử lý nước cấp

– Các nhà máy nước ở các đô thị và công nghiệp được thiết kế, xây dưng với công nghệ phù hợp. Trang thiết bị công nghệ ngày càng được hiện đại hóa.Tới nay tất cả các đô thị loại III trở lên và khoảng 30% số đô thị loại IV và V (thị trấn huyện lỵ) đều đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp cải tạo, theo công nghệ-thiết bị mới, hiện đại. Đã cấp nước máy cho trên 70% dân đô thị và 190 KCN tập trung [15].

– Chất lượng quản lý, vận hành các nhà máy nước/các công ty Cấp nước địa phương đã được nâng lên nhiều so với trước đây.

– Tuy nhiên việc lập kế hoạch bảo dưỡng, vận hành cũng còn là lỗ hổng so với các nước công nghiệp phát triển. Các nhà máy nước mặt chưa lường hết những tình huống vận hành khác nhau như sự biến động chất lượng nước đầu vào vào theo mùa, sự ô nhiễm nguồn nước … Do vậy chất lượng nước sản xuất đôi khi chưa đạt yêu cầu, khách hàng còn kêu ca.

– Đối với các trạm cấp nước tập trung nông thôn, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là cơ chế tổ chức quản lý, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí vận hành nên nhiều công trình với chi phí đầu tư lớn nhưng chỉ vận hành được một thời gian ngắn là dừng không vận hành, hoạt động.

– Vấn đề quản lý chất lượng nước cấp sinh hoạt nông thôn (QLCLNSHNT) cũng là vấn đề cần lưu tâm. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án và bắt đầu thực thi.

2.2. Hiện trạng công nghệ xử lý nước thải đô thị và công nghiệp.

2.2.1. Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị

Đối với nước thải đô thị, khu dân cư, hầu hết sử dụng bể tự hoại xử lý tại chỗ thuộc các hộ gia đình. Các bể tự hoại được xây dựng thời Pháp thuộc đều có ngăn lọc hiếu khí, sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, người ta chỉ dùng bể tự hoại không có ngăn lọc và được gọi là bể bán tự hoại. Tới nay có khoảng 10 nhà máy xử lý nước thải đô thị đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma thuột, Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh.

Đa số các các đô thị Việt Nam chưa có nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung.

Hiện nay đã có một số thành phố khác đang thực hiện dự án thoát nước và vệ sinh môi trường như TP Huế, Hạ Long, Việt trì, Thanh Hoá, Đồng Hới, Nha Trang, Quy Nhơn. Công nghệ xử lý nước thải là công nghệ sinh học hiếu khí bằng bùn hoạt tính hoặc áp dụng công nghệ xử lý đơn giản là hồ sinh học. Các đô thị nhỏ hầu như chưa có dự án thoát nước và xử lý nước thải..

2.2.2. Xử lý nước thải bệnh viện, trường học hay cơ quan NCKH:

Tại các bệnh viện như BV Quân đội 108, BV Bạch Mai, BV Hai Bà Trưng, Hà Nội (Xây dựng mới), BV Việt-Tiệp , BV Nhi TP Hải Phòng, BV Đa khoa TP Huế,BV Nhi Thuỵ Điển Hà nội và BV Uông Bí, BV Nhi TP HCM … có trạm xử lý nước thải với công nghệ xử lý sinh học hiếu khí bằng bùn hoạt tính hoặc kết hợp xử lý bằng phương pháp hóa học, Viện KHVN nay là Viện KH & CN Quốc Gia đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải bằng hóa học và sinh học. Hiện có khoảng 100-150 trong số 1100 bệnh viện (hay khoảng 10-15% số bệnh viện) có trạm xử lý nước thải bệnh viện đưa vào hoạt động

2.2.3.Xử lý nước thải công nghiệp [1]

Hiện tại ở nước ta ước tính đã có khoảng 60-70 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN-KCX, trong số 171 KCN-KCX đưa vào hoạt động (tổng số có 223 KCN-KCX có quyết định thành lập)

Cũn khoảng 60% số khu công nghiệp và nhiều cụm cụng nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, các làng nghề chưa có trạm XLNT, có nơi đã xây dựng trạm XLNT nhưng không hoạt động. Công nghệ XLNT thường dùng là phương pháp bùn hoạt tính và lọc sinh học.

Công nghệ xử lý nước thải công nghiệp khá đa dạng và đặc biệt có xuất xứ từ nhiều nước. Do đô các thiết bị cũng có xuất xứ từ nhiều nguồn cung cấp. Kết quả sẽ gây nhiều khó khăn cho việc sửa chữa, thay thế khi cần thiết.

2.2.4. Xử lý nước thải làng nghề

Trong vòng 10 năm lại đây vấn đề môi trường làng nghề đã được nhiều chương trình NCKH quan tâm như Làng nghề Việt Nam và Môi trường [4] và nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng khác. Cho đến nay một số cơ sở ở làng nghề dệt nhuộm Dương Nội, Hà Đông, Giấy Yên Phong, Bắc Ninh, Cơ sở mạ kim loại, dùng công nghệ hóa học-keo tụ, kết tủa + lắng nước thải. Một số cơ sở chế biến giấy còn áp dụng keo tụ kết hợp tuyển nổi … Một số cơ sở chế biến bún-bánh đa đã áp dụng bãi lọc sinh học ngập nước, một số khác dùng bãi lọc trồng cây … Nhìn chung công nghệ xử lý nước thải các làng nghề, tùy thuộc từng ngành sản xuất, tùy thuộc điều kiện từng làng xóm mà áp dụng các công nghệ đa dạng khác nhau,

2.2.5. Đánh giá công nghệ và hoạt động vận hành xử lý nước thải [11,12].

Do khả năng kinh tế của Việt Nam còn có hạn, nên việc đầu tư xử lý nước thải đô thị chưa được nhiều, như đã mô tả ở mục 2.2.1. Việc hút bùn từ bể tự hoại cũng chưa thực hiện đúng thời hạn.

Trong khoảng 10-15 năm lại đây các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học đã nghiên cứu theo hướng công nghệ xử lý chi phí thấp và đang áp dụng ở một số nơi và thu được kết quả ban đầu .

Việc quản lý vận hành và bảo dưỡng ở các nhà máy xử lý nước thải với mọi cấp độ và quy mô đang là một vấn đề lớn không chỉ đối với nước ta mà cả các nước đang phát triển. Đây không chỉ đơn thuần là quản lý kỹ thuật, mà còn liên quan đến chi phí kinh tế. Do vậy nhiều nhà máy/trạm xử lý nước thải, khi xây dựng với kinh phí đầu tư lớn nhưng không hoạt động. Hệ quả là hiệu suất xử lý rất thấp. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu đánh giá một cách nghiêm túc.

Hiện nay công nghệ, thiết bị xử lý nước thải ở nước ta có xuất xứ từ nhiều nước như Nhật, Pháp, Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Mỹ … Trong khi nước ta còn chưa có công nghiệp sản xuất, chế tạo thiết bị chuyên dụng. Đây sẽ là thách thức lớn đối với nước ta trong những năm tới.

Đối với các làng nghề , đã đang áp dụng một số công nghệ khác nhau, tùy thuộc lĩnh vực sản xuất và điều kiện cụ thể của địa phương. Vấn đề là với công nghệ hóa học hay hóa lý các cơ sở có vận hành một cách thường xuyên hay không hay vận hành có hiệu quả hau không lại là chuyện khác.

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN ĐẾN NĂM 2020 LÀ THÁCH THỨC LỚN

Đối với xử lý nước thì công nghệ tương đối ổn định.

Đối với công nghệ xử lý nước thải thì còn nhiều thách thức.

Định hướng phát triển cấp thoát nước liên quan trực tiếp đến công nghệ xử lý nước và nước thải đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1929/QĐ-TTg và QĐ 1930/QĐ-TTg ngày 20-11-2009 :

Mục tiêu về cấp nước

+ Đến năm 2020:

Tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày đêm; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

+ Đến năm 2025:

– Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

– Dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24 giờ trong ngày, áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định.

Mục tiêu Thoát nước

Đến năm 2020:

Các đô thị loại III trở lên có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định lên 60%. Tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.

Đến năm 2025:

– Các đô thị từ loại IV trở lên có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 70 – 80%, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định. Tại các đô thị loại V, 50% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.

– Các làng nghề có trạm xử lý tập trung hoặc phân tán, hoạt động thường xuyên, chất lượng nước thải xả ra môi trường đạt quy chuẩn quy định.

– Tái sử dụng từ 20 – 30% nước thải cho nhu cầu nước tưới cây, rửa đường và các nhu cầu khác tại các đô thị, khu công nghiệp.

Mục tiêu về công nghiệp đến năm 2020

+ 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt TCMT/QCMT, trong đó 50% sử dụng thiết bị và công nghệ trong nước.

+100% số cơ sở công nghiệp áp dụng CN xử lý nước thải.

Mục tiêu cấp nước và vệ sinh nông thôn đến 2020

+ 80% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chất lượng quốc gia, với số lượng tối thiểu 60 lít/người-ngày.

+ 90% hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

+ 90% các hộ chăn nuôi có chuồng, trại hợp vệ sinh.

+ 100% các cơ sở công cộng: trường học, nhà trẻ mẫu giáo, UBND xã, trạm y tế, chợ nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà tiêu HVS, và có chỗ rửa tay.

Phát triển công nghiệp môi trường

Phát triển công nghiệp môi trường là một cách đáp ứng các nhu cầu dịch vụ hiện nay trong các hoạt động BVMT. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2010 phê duyệt đề án phát triển ngành Công nghiệp Môi trường Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025. Đây là bước tiến mới đối với ngành này. Trên thực tế, nhiều hoạt động của nó đã có từ rất sớm.

Việt Nam cũng đang hình thành ngành công nghiệp tái chế nhằm giải quýết nhu cầu phát sinh của công nghiệp và tiêu dùng.

Để đạt mục tiêu về cấp thoát nước -xử lí nước, nước thải đô thị, công nghiệp, cần phát triển các công nghệ xử lý nước, nước thải đô thị, nông thôn thích hợp, đặc biệt là các công nghệ chiếm ít mặt bằng, ít chi phí năng lượng, có kỹ thuật vận hành thích hợp với trình độ công nhân.

IV. KẾT LUẬN
Phát triển cấp thoát nước, xử lý nước, nước thải đô thị, công nghiệp, bệnh viện, làng nghề, đáp ứng các mục tiêu đề ra là những cơ hội và thách thức rất lớn

Hướng tới phát triển công nghệ và công nghiệp môi trường trong đó có ngành công nghệ và công nghiệp Nước.

Hoạt động môi trường, bên cạnh khu vực dịch vụ công nghệ môi trường, trong đó có công nghệ xử lý nước, nước thải đã có sự tham gia của khối tư nhân trong và ngoài nước, dưới nhiều hình thức cá nhân, tổ chức, công ty, liên danh, liên kết với quy mô ngày càng lớn.

Các dịch vụ của ngành nước và công nghiệp môi trường của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, năng lực và giá cả ngày càng cạnh tranh. Trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải, có nhu cầu rất lớn.

Một số kiến nghị:

Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng:

+ Các công nghệ xử lý nước, nước thải sinh hoạt cho đô thị và nông thôn

+ Các công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ-hải sản

+ Các công nghệ xử lý nước thải công nghiệp chế biến nông, thuỷ-hải sản

+ Các công nghệ xử lý nước thải công nghiệp dệt nhuộm

+ Công nghệ xử lý nước thải doanh nghiệp sơn, mạ

+ Các công nghệ hỗ trợ công nghệ xử lý nước, nước thải (hoá chất, vật liệu, thiết bị, đo lường-điều khiển-tự động hoá)

+ Các công nghệ tái sử dụng nước thải trong hệ tuần hoàn

Việc lựa chọn công nghệ môi trường thích hợp có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, phục vụ cho phát triển bền vững tại Việt Nam. Tiêu chí lựa chọn công nghệ là tính hiện đại, tính hiệu quả, tính phù hợp, tính phổ biến.

Theo quan điểm phát triển công nghệ môi trường, một số tiêu chí cơ bản để lựa chọn công nghệ môi trường là:

+ Công nghệ thích hợp

+ Công nghệ thông dụng

+ Công nghệ không hoặc ít chất thải

+ Công nghệ sạch.

Bên cạnh đó công nghệ lựa chọn phải có giá thành đầu tư, giá thành vận hành thấp, không chiếm nhiều mặt bằng, dễ dàng quản lý, bảo hành và bảo trì đơn giản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo hiện trạng Môi trường Việt nam năm 2003-2007-2009 của Bộ TNMT

2. Báo cáo tổng hợp thực trạng và các giải pháp chủ yếu phát triển hệ thống cấp nước tại các thị trấn, thị tứ và các khu dân cư nông thôn-Nguyễn Tôn 2006.

3. Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo Quyết Định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02-12-2003.

4. Đặng Kim Chi, Nguyễn Ngọc Lân, Trận Lệ Minh- Làng nghề Việt Nam và Môi trường .Hà Nội 8-2005.

5. Định hướng cấp nước đô thị đến năm 2020- Bộ Xây dựng 1999.

6. Định hướng thoát nước đô thị đến năm 2020- Bộ Xây dựng 1999.

7. Trần Ngọc Hưng- Hiện trạng và định hướng phát triển KCN, KCX ở Việt Nam. Hội thảo về KCN, KCX Việt Nam – Báo cáo tại Hội thảo Môi trường KCN ngày 20-11-2008.

8. Luật Bảo vệ Môi trường 1994, 2005

9. Luật Tài nguyên Nước, 1999.

10. Trần Hiếu Nhuệ-Nghiên cứu khoa học công nghệ nước và môi trường-Thực trạng và thách thức. Tạp chí Cấp Thoát nước số 4 (73)-Tháng 72010.

11. Trần Hiếu Nhuệ- Đào tạo kỹ sư Cấp thoát nước- Môi trường-Thành tựu và Thách thức. Tạp chí Cấp Thoát nước số 1+2 (70+71)-T1+T3/2010

12. Phùng Chí Sỹ, Trần Hiếu Nhuệ , Chu Thị Sàng và nnk- Đề tài “Phát triển công nghệ Môi trường tại Việt Nam”, Hà Nội 2003.

13. QĐ 1929, 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 phê duyệt định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị và Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050

14. Nguyễn Tôn-Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam- Lĩnh vực Cấp Thoát nước, xử lý nước thải có trách nhiệm góp phần phát triển bền vứng đô thị Việt Nam.. Tạp chí Cấp Thoát nước số 4 (73)-Tháng 72010.

Bạn cũng có thể thích
Hotline